Nguồn cung
Các dự báo được trình bày tại Diễn đàn Cá đáy (the Groundfish Forum) được tổ chức ở Athens vào tháng 10/2023 đã chỉ ra rằng nguồn cung cá tuyết Đại Tây Dương sẽ giảm đáng kể vào năm 2024. Hội đồng Khám phá Biển Quốc tế (the International Council for the Exploration of the Sea - ICES) cũng đã đưa ra khuyến nghị hạn ngạch cá tuyết biển Barents, giảm 14% vào năm 2024 xuống còn 791.000 tấn. Điều này thể hiện xu hướng tiếp tục giảm từ 1,081 triệu tấn vào năm 2022 và 921.000 tấn vào năm 2023.
Hạn ngạch cá tuyết chấm đen (haddock) cũng sẽ giảm, từ 296.000 tấn năm 2021 và 280.000 tấn năm 2023 xuống còn 267.000 tấn vào năm 2024. Trong khi đó, tình hình cá saithe tốt hơn một chút và khuyến nghị hạn ngạch ICES cho năm 2024 đã tăng nhẹ 1,6% từ 368.000 tấn năm 2023 lên 382.000 tấn cho năm 2024.
Vào tháng 12 năm ngoái, chính quyền Nga đã công bố lệnh cấm đánh bắt cá tuyết Thái Bình Dương ở hai vùng đánh cá quan trọng là biển Tây Bering và Chukotka, có hiệu lực từ ngày 19 tháng 12 năm 2023 đến ngày 15 tháng 4 năm 2024. Trong những năm gần đây, sản lượng cá tuyết của Nga giảm xuống. Tính đến đầu tháng 12 năm 2023, sản lượng cập cảng chỉ là 364.800 tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Những mức sụt giảm nêu trên nhất định sẽ có tác động đến ngành hàng cá đáy (nhất là thị trường). Giá cá tuyết cao ngất ngưởng, nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng trả thêm tiền để mua cá tuyết. Ngoài ra, sẽ có sự cạnh tranh về nguyên liệu thô giữa các nhà chế biến thủy sản. Hiện đã có sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp phi lê cá và sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất sản phẩm truyền thống (cá muối saltfish, cá klippfish và cá stockfish). Giá xuất khẩu đã tăng lên đáng kể.
Cá minh thái Alaska, loài có sản lượng lớn nhất, được dự đoán sẽ tăng 3% vào năm 2024 lên 3,79 triệu tấn. Phần lớn mức tăng trưởng này được dự đoán đến từ Liên bang Nga, nơi có sản lượng đánh bắt dự kiến đạt hơn 2 triệu tấn vào năm 2024.
Tổng sản lượng cá đáy trên toàn thế giới năm 2024 ước tính đạt dưới 7 triệu tấn.
Thương mại
Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa kết thúc. Vào tháng 12/2023, dự luật cấm hoạt động của Trung Quốc trong lĩnh vực đại dương đã được đưa ra. Dự luật này được thực hiện trên cơ sở điều tra các công ty đánh cá và chế biến thủy sản tại Trung Quốc đang sử dụng lao động cưỡng bức. Dự luật này nếu được thông qua sẽ cấm tất cả thủy sản Trung Quốc, bao gồm cả sản phẩm đánh bắt tự nhiên và sản phẩm nuôi trồng, không được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ cho đến khi Quốc hội Mỹ nhận được báo cáo cho thấy các nhà khai thác thủy sản của Trung Quốc không sử dụng lao động cưỡng bức và chính phủ Trung Quốc không trợ cấp cho các đội tàu đánh cá của họ.
Các nhà xuất khẩu thủy sản của Mỹ không mấy lạc quan về việc xung đột thương mại giữa hai quốc gia sớm kết thúc. Mỹ đang xem xét lại tác động của các mức thuế suất áp dụng với thủy sản Trung Quốc trong vòng bốn năm qua, và các mức thuế này đã lên tới 25%. Đã quá hạn cho việc tiến hành xem xét và các nhà xuất khẩu thủy sản của Mỹ hiện đang mất niềm tin vào bất kỳ thay đổi nào trong tương lai gần. Cụ thể, ngay trước Giáng sinh 2023, Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh cấm nhập khẩu thủy sản đánh bắt của Nga được chế biến ở các quốc gia khác (đặc biệt là Trung Quốc) và xuất khẩu sang Mỹ.
Trong bốn năm qua, kể từ khi thực hiện thành công chiến dịch “Cá minh thái Alaska khai thác trong tự nhiên” (Wild Alaska Pollock), Hiệp hội các nhà sản xuất cá minh thái Alaska (the Association of Genuine Alaska Pollock Producers - GAPP) đã quyết định tài trợ nhiều hơn nữa trong năm 2024 cho chiến dịch này để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá minh thái Alaska trên toàn thế giới. Cùng với đó, Hội đồng Thủy sản Na Uy cũng đang phát động một chiến dịch rộng rãi nhằm thúc đẩy tiêu thụ cá thịt trắng nói chung và cá thịt trắng của Na Uy nói riêng tại thị trường Vương quốc Anh.
Thương mại
Năm 2023, xuất khẩu cá tuyết của Na Uy giảm. Khối lượng xuất khẩu trong năm đã giảm khoảng 15% xuống còn 162.113 tấn; ngược lại, giá trị tăng lên 0,2% cho thấy giá cá tuyết Na Uy tăng mạnh. Xuất khẩu cá saithe tăng 4,2% về khối lượng và 8,9% về giá trị. Tuy nhiên, các mức tăng giá này được đo bằng đồng Krone Na Uy (NOK) - vốn đặc biệt yếu so với đồng đô la Mỹ và Euro trong suốt năm 2023.
Trong chín tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tuyết đông lạnh nguyên con từ Na Uy đã giảm 29% xuống còn 37.675 tấn. Trong đó: xuất khẩu sang Mỹ tăng 10%, xuất khẩu sang Trung Quốc trái lại giảm mạnh – 62%. Nhập khẩu cá tuyết đông lạnh nguyên con của Trung Quốc đã giảm 8,7% trong giai đoạn này, xuống còn 99.076 tấn. Nhập khẩu từ các nhà cung cấp chính (Liên bang Nga và Na Uy) giảm, trong khi nhập khẩu từ Mỹ tăng 77%. Xuất khẩu phi lê cá tuyết đông lạnh của Trung Quốc cũng giảm, từ 74.202 tấn trong 9 tháng đầu năm 2022 xuống còn 58.755 tấn trong cùng kỳ năm 2023 (-20,8%). Xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Thụy Điển giảm, trong khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng nhẹ.
Vào giữa tháng 10/2023, Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy đã đình chỉ mọi hoạt động nhập khẩu hải sản của Nga qua cửa khẩu biên giới Storskog. Đây là tuyến đường bộ quan trọng nhất của Nga đến thị trường châu Âu. Không đề cập đến mối quan hệ đóng băng giữa hai quốc gia, Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy chỉ tuyên bố rằng: Trạm kiểm soát biên giới "không có đủ cơ sở vật chất cần thiết để tiến hành kiểm soát theo luật pháp và quy định".
Lệnh cấm buôn bán với Liên bang Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine đang gây thiệt hại cho các nhà chế biến châu Âu. Họ không có đủ nguyên liệu thô. Do đó, Hiệp hội các nhà chế biến và thương mại thủy sản EU (the EU Fish Processors and Traders Association) cũng như Liên đoàn các tổ chức quốc gia về nhập khẩu và xuất khẩu thủy sản của châu Âu (the European Federation of National Organizations of Importers and Exporters of Fish – AIPCE-CEP) đã yêu cầu Ủy ban châu Âu gia hạn thời gian chuyển tiếp một năm để chuỗi giá trị thủy sản châu Âu có thể điều chỉnh từ từ theo diễn biến tác động của thị trường.
Cụ thể, hai tổ chức Hiệp hội và Liên đoàn nêu trên đã yêu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô từ Nga để phục vụ ngành chế biến thủy sản của châu Âu trong khoảng thời gian là một năm theo chương trình hạn ngạch thuế quan tự chủ (the autonomous tariff quota - ATQ). Điều này sẽ giúp các nhà chế biến thủy sản của châu Âu có được nguồn nguyên liệu thô xuất khẩu từ Nga.
Xuất khẩu phi lê cá minh thái Alaska cấp đông hai lần của Trung Quốc đang giảm. Khối lượng xuất khẩu đã từng đạt đỉnh vào năm 2019, với tổng cộng 275.000 tấn. Tuy nhiên, trong năm 2024, dự kiến xuất khẩu sản phẩm này sẽ giảm xuống dưới 200.000 tấn. Bình quân mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 600.000 tấn nguyên liệu cá minh thái Alaska (H&G). Trong số này, có tới 400.000 tấn được đưa vào chế biến để tái xuất, còn lại khoảng 200.000 tấn phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Các nhà chế biến Trung Quốc dự đoán trong thời gian tới giá cá minh thái Alaska sẽ tiếp tục giảm vì sản lượng đánh bắt có thể tăng trong năm 2024.
Xuất khẩu cá minh thái Alaska nguyên con đông lạnh của Nga giảm 14,6% trong 9 tháng đầu năm 2023. Lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 53% nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 9%. Xuất khẩu phi lê cá minh thái Alaska đông lạnh của Trung Quốc gần bằng năm trước (+2,5%). Có sự gia tăng ở hầu hết các thị trường quan trọng ngoại trừ Mỹ, giảm khoảng 39%. Do giá phi lê cá minh thái Alaska giảm, các nhà chế biến của Nga đã chuyển sang xuất khẩu cá minh thái Alaska nguyên con đông lạnh và surimi cá minh thái Alaska đông lạnh.
Giá cả
Năm 2024 dự kiến sản lượng cá minh thái Alaska tăng sẽ gây áp lực lên giá và các nhà sản xuất Nga đang lo ngại rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của họ.
Trong lĩnh vực cá tuyết, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Lượng cá tuyết Đại Tây Dương đánh bắt được vào năm 2024 dự kiến sẽ thấp hơn năm 2023 và các nhà chế biến Trung Quốc lo ngại rằng điều này sẽ đẩy giá lên cao hơn nữa. Giá nguyên liệu cá tuyết cho ngành chế biến của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên. Tuy nhiên, vào cuối năm 2023, trên thị trường thế giới, giá cá tuyết H&G của Na Uy đột ngột giảm sau khi đạt đỉnh vào tháng 10 năm 2023 và tiến gần đến mức giá của Nga. Nhưng nhìn chung thì giá cá tuyết vẫn được đoán là sẽ tăng vào năm 2024.
Xuất khẩu cá minh thái Alaska chế biến của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm trong năm 2024 do nguồn cung dồi dào hơn và nhu cầu trong nước cũng như trên thị trường xuất khẩu suy yếu.
Surimi
Các nhà sản xuất surimi châu Á đang lo ngại về sự phát triển của thị trường surimi. Khi các nhà sản xuất cá minh thái Nga chuyển sang sản xuất surimi và sản lượng cá minh thái Alaska toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 200.000 tấn vào năm 2024, khả năng nguồn cung surimi toàn cầu rất mạnh sẽ kéo giá giảm xuống. Vào thời điểm hiện tại, nhu cầu surimi toàn cầu dường như không tăng trưởng. Các nhà sản xuất surimi châu Á dự kiến nhu cầu surimi ở thị trường châu Âu và Bắc Mỹ sẽ giảm.
Trái lại, triển vọng thị trường surimi tại Trung Quốc tươi sáng hơn. Người tiêu dùng Trung Quốc đang chuyển sang các sản phẩm tiện lợi như các sản phẩm làm từ surimi đông lạnh và các món hải sản chế biến sẵn, và họ đang có xu hướng mua nhiều sản phẩm hơn thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Trong khi đó, doanh số bán hàng của các siêu thị truyền thống đang giảm. Các sản phẩm surimi đông lạnh ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày của người tiêu dùng Trung Quốc.
Trong chín tháng đầu năm 2023, xuất khẩu surimi cá minh thái Alaska của Mỹ sang Nhật Bản đã tăng 42% về khối lượng (đạt 31.414 tấn) so với cùng kỳ năm năm trước (22.123 tấn). Tuy nhiên, do giá giảm mạnh nên mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu chỉ là 27%.
Dự báo
Triển vọng về thị trường cá đáy toàn cầu được FAO dự đoán như sau: Sẽ có rất nhiều cá minh thái Alaska xuất hiện trên thị trường, nhưng nguồn cung cá tuyết và cá tuyết chấm đen, cá saithe khá hạn hẹp. Điều này sẽ dẫn đến giá các sản phẩm cá minh thái Alaska giảm, nhưng giá cá tuyết tăng, từ đó có thể thúc đẩy một số người tiêu dùng chuyển từ cá tuyết sang tiêu dùng nhiều hơn các mặt hàng cá minh thái. Với tình hình kinh tế hiện tại ở châu Âu, sự thay đổi xu hướng tiêu dùng như vậy có thể có ảnh hưởng nhất định đến các sản phẩm hải sản đắt tiền khác.
Ngọc Thúy (theo FAO)